Vĩnh Phúc mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn


Yên Lạc là một trong số địa phương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn. Các khu vực như Liên Châu, Hồng Châu, Trung Hà… đã chuyển sang trồng cây ăn quả như bưởi, chuối, đu đủ, cam theo hướng VietGAP, với quy mô trên 70ha.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi địa phương này đang ngày càng mở rộng diện tích theo hướn thâm canh. Bà Quách Thị Mỹ Thục, phụ trách Trạm Quản lý vùng Vĩnh Tường, Yên Lạc, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết, để áp dụng thành công quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì yếu tố quan trọng là sự tự giác của chủ cơ sở sản xuất đối với chất lượng sản phẩm sản xuất.

Theo đó, bên cạnh việc ghi chép đầy đủ các thông tin trong quá trình sản xuất để theo dõi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường tại các cơ sở sản xuất. Định kỳ, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản sẽ tổ chức giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất VietGAP; lấy mẫu xét nghiệm, phân tích tồn dư kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật, test kiểm tra nhanh chất cấm trong chăn nuôi.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, đến nay, toàn tỉnh có trên 240 cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP, trong đó có 75 cơ sở chăn nuôi; 36 cơ sở chăn nuôi bò sữa; 13 cơ sở chăn nuôi gà; 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản và 117 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả. Một số sản phẩm xây dựng được thương hiệu, có thị trường tiêu thụ ổn định như rau an toàn, ớt, thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng…

Tuy nhiên, hệ thống phân phối, giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh chưa phong phú, đa dạng để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tìm mua và người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với những sản phẩm thông thường trừ những sản phẩm được bao gói hoặc dán tem nhãn.

Năm 2022, tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; yêu cầu các cơ sở sản xuất, hộ gia đình thực hiện nghiêm các quy định sản xuất theo chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó tỉnh chủ động tìm kiếm thị trường bằng cách trực tiếp đưa sản phẩm tới khách hàng hoặc hợp đồng liên kết với hệ thống bán lẻ, các đơn vị tiêu dùng với số lượng lớn như bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *