Nghề lái máy bay phun thuốc ở miền Tây


Hành trang lên đường của biệt đội phun thuốc của Đạt (32 tuổi, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười) rất cơ động gồm xe máy chở máy bay phun thuốc (drone) nặng 23 kg, balô đựng bộ điều khiển, sổ sách và một xe khác chở pin, các dụng cụ pha thuốc. Con drone chính là “giấy đi đường” được chính quyền địa phương tạo điều kiện đi lại trong thời gian giãn cách xã hội, tuy nhiên họ phải tuân thủ 5K.

Đến vườn mận của khách hàng mới, Đạt phụ trách điều khiển drone. Nhận thấy các liếp mận trồng thẳng hàng, dễ quan sát, anh nhanh chóng chọn giải pháp bay chủ động thay vì định vị để máy lập trình đường bay.

Trong lúc Đạt mang máy đến bãi đất trống, kiểm tra béc phun, chuẩn bị cất cánh thì Phan Quốc Cường – phụ tá của anh, nhận thuốc từ chủ vườn, pha lượng nhỏ các loại thuốc với nhau để kiểm tra độ hòa tan. Sau đó Cường pha vào các can thuốc lớn chia ra thành 3 lần phun, mỗi lần 20 lít.

Để tầm quan sát tốt hơn, Đạt leo lên cây me gần đó rồi điều khiển máy tiến vào vườn mận. Đường bay đầu tiên không kiểm soát được hướng khi gặp gió, Đạt cho máy bay lần hai. Thuốc phả từ ngọn cây xuống với lực mạnh, đều, rồi máy di chuyển sang cây kế tiếp.

Người lái tập trung cao độ để vừa quan sát máy vừa xử lý các thông số về thời lượng pin, lượng thuốc còn lại… hiển thị trên bộ điều khiển bằng 3 ngôn ngữ (Việt-Anh-Trung). Cường nhịp nhàng phối hợp mang thuốc đổ vào bình, thay pin. Chỉ mất 15 phút ba bình thuốc đã phun xong cho mảnh vườn 3 công (3.000 m2).

Xong việc, cả hai thu gom dụng cụ mang lên xe rồi di chuyển sang thửa ruộng bên cạnh phun thuốc dưỡng giai đoạn lúa sau trổ. Cuối tháng 8, cánh đồng lúa bắt đầu ngả màu “mỡ gà” chỉ có tiếng máy bay “vù vù” cần mẫn làm việc. Sau vài lượt bay ra bay vào máy đã hoàn thành nhiệm vụ. “Nhanh, gọn, hiệu quả. Làm nông bây giờ khỏe lắm”, chủ ruộng, ông Mai Văn Tuấn nói.

Đối với lúa thời gian phun sẽ nhanh hơn, trung bình 7 phút cho một hecta vì lượng thuốc sử dụng ít, một bình 20 lít cho một hecta. Ngoài ra, chỉ cần định vị lần đầu, máy sẽ lập trình đường bay và phun tự động.

Chạng vạng, Đạt mang tiền công phun thuốc hai ngày ra đếm rồi chia sẻ: “Được 5 triệu rồi. Máy này của chủ, đội bay làm công được chia mỗi người 10% doanh thu, tính ra mỗi ngày được 250.000 đồng nhưng khỏe người hơn lao động chân tay”.

Từ ngày Covid-19 bùng phát, Đạt chỉ phun thuốc trong xã. Nhưng đổi lại anh nhận được nhiều đơn hàng hơn, do nông dân hạn chế ra đồng. “Khách tin tưởng họ gọi chỉ chỗ để thuốc ở bụi cỏ, đám lúa. Mình phun xong gửi hình báo cáo họ”, Đạt nói.

Theo Đạt, việc phun thuốc bằng máy khá nhẹ nhàng. Thay vì mang từng bình thuốc xịt, người phun vừa hít, vừa dính thuốc vào người. “Từ nhỏ tôi gắn bó với ruộng đồng, thấy nông dân mang bình đi phun thuốc nhiều độc hại nên khi làm công việc này có niềm vui nhỏ nhỏ là giúp được bà con đỡ nhọc nhằn”, anh nói.

Đạt cầm điều khiển drone gần một năm, sau khi trải qua nhiều nghề như kỹ sư nông nghiệp, nhân viên thị trường thuốc bảo vệ thực vật, cơ khí, tài xế… Anh kể cái khó của nghề mới và “hot” này là độ nhanh nhạy với các thiết bị công nghệ cao, chịu khó di chuyển liên tục. “Dễ sử dụng nhưng khi chúng dỡ chứng thì cũng rất căng”, Đạt nói và kể các lỗi thường xảy ra như tín hiệu radar chập chờn, mất toàn bộ tín hiệu, nghẹt béc phun, hết pin, mất quyền kiểm soát…

Theo Đạt, khác với flycam, các drone phun thuốc bay thấp hơn nên dễ vướng vào cây cối. Với chế độ tự động, máy tự xử lý ngừng bay khi phát hiện vật cản, làm mất nhiều thời gian phun thuốc. Nhưng khi tắt chế độ tự động, không may gặp tình huống trục trặc kỹ thuật, máy sẽ tước quyền điều khiển và tự động quay về điểm xuất phát. Dọc đường nó có thể va vào cây và rơi xuống.

Đạt kể tình huống dở khóc dở cười xảy ra nửa tháng trước: “Drone mất kiểm soát, để giảm bớt thiệt hại hai đứa tôi quyết định bám theo drone tìm cách hạ cánh khẩn cấp. Nhưng phải mất 15 phút bay vòng vòng, khi hết pin, nó mới ngừng điên loạn”. Sau lần đó, cả hai cẩn thận hơn khi điều khiển.

Trước khi vào nghề Đạt học khóa cấp tốc và được “sư phụ” kèm trong thời gian đầu. Sau đó anh tự học kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh từ các đàn anh đi trước. Một quy ước ngầm, khi làm cho đội phun thuốc họ sẽ được đào tạo miễn phí nhưng nếu tự ra nghề phải trả học phí 15 triệu đồng. “Mình đang ham sắm một con máy vì nhu cầu đang rất cao mà máy thì đang thiếu”, Đạt nói.

Nhóm phun thuốc của Đạt gồm 19 drone tập trung tại các cánh đồng có diện tích lớn như huyện Tháp Mười, Tam Nông. Nhà ai ở đâu sẽ phụ trách phun ở đó đảm bảo “xã phường giãn cách với xã phường”. Trung bình mỗi drone có giá 400-700 triệu đồng, giá dịch vụ dao động 180.000-200.000 đồng một hecta đối với ruộng lúa. Mỗi máy phục vụ được 70 ha một ngày. Suốt vụ lúa nông dân cần phun thuốc 6-7 lần. Sau khi trừ chi phí nhân công, chủ máy sẽ thu hồi vốn sau 1-1,5 năm.

Lê Quốc Trung, 34 tuổi, ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cùng nhóm bạn thành lập biệt đội bay hơn 3 năm, hiện nay đã quy tụ 30 drone và mở rộng sang tỉnh An Giang và Kiên Giang. Ngày mới thành lập Trung trực tiếp điều khiển drone phun thuốc, sau này lùi về làm nhiệm vụ quản lý.

Theo Trung, các nhà sản xuất drone đã có nhiều cải tiến để chúng thông minh hơn, phân loại từ nhiễm sâu bệnh nặng, trung bình, nhẹ, tự động phân bổ lượng thuốc phun nhiều hay ít. Ngoài ra, máy cũng có thể áp dụng để rải phân, xuống giống tối ưu hóa về độ đồng đều, tránh thất thoát, giảm ảnh hưởng môi trường. “Nếu dùng máy bay phun thuốc sẽ dễ dàng gom vỏ thuốc, không vứt bừa bãi như hiện nay, đồng thời giúp chủ vườn tiết giảm được lượng thuốc sử dụng khoảng 20%”, Trung nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *